CÔNG TY TNHH TƯ VẤN THIẾT KẾ KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG GREENERSO

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN THIẾT KẾ KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG GREENERSO

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN THIẾT KẾ KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG GREENERSO

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nước thải nhà máy Formosa Hà Tĩnh đảm bảo an toàn

Sáng 22/6, diễn đàn "Nhà báo với môi trường và biển đảo 2018" diễn ra tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ở Hà Nội.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu quan tâm đến thông tin về kết quả giám sát quá trình khắc phục vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).

Về nội dung này, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, ngay sau khi FHS nhận trách nhiệm gây ra sự cố, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hà Tĩnh, các Bộ, ngành và các cơ quan khoa học thành lập Tổ giám sát liên ngành để thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của FHS.

Theo yêu cầu của Bộ TN&MT và các cơ quan quản lý, FHS đã nghiêm túc thực hiện và hoàn thành 7 hạng mục công trình bảo vệ môi trường cải thiện, bổ sung nhằm quản lý chất thải theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, FHS đã hoàn thành hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học trên diện tích 10 ha từ tháng 7/2017 nhằm đảm bảo ứng phó sự cố nhiều cấp độ.

Lò cao số 1 được FHS vận hành từ tháng 5/2017 hiện đã đi vào vận hành thương mại theo đúng tiến độ; Lò cao số 2 được vận hành thử nghiệm từ ngày 18/5.

Hiện, các hạng mục của dự án vẫn đang vận hành ổn định dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ TN&MT, tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan khoa học.

Ông Hoàng Văn Thức cho biết: “Tổng hợp kết quả giám sát của Bộ TN&MT, tỉnh Hà Tĩnh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện từ tháng 7/2016 đến nay cho thấy nước thải, khí thải của FHS trước khi xả ra ngoài môi trường phù hợp với quy chuẩn Việt Nam và đang dần tiếp cận với tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường của các nước tiên tiến trên thế giới”.

“Bên cạnh đó, chất lượng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung được công bố an toàn, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và tắm biển, thể thao dưới nước.

Đặc biệt, các thông số Xyanua và Phenol trong các mẫu phân tích có nồng độ thấp hơn nhiều lần QCVN quy định”, ông Thức cho biết thêm.

Theo ông Hoàng Văn Thức, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững năm 2018 bao gồm rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bộ TN&MT tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, kết nối giữa Trung ương và địa phương, đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và người dân.

Bộ TN&MT thực hiện chương trình quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Tăng cường tuyên truyền bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo Tổ quốc

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT ông Lê Công Thành cho biết, thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Việt Nam thiết lập và vận hành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương.

Các Bộ, ngành, địa phương có biển đã tổ chức rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) phục vụ quản lý biển và hải đảo.

Ðặc biệt, với Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới cũng như tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề nghị báo chí tiếp tục phối hợp với Tổng cục trong công tác thông tin, tuyên truyền về vị trí, vai trò của biển và hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cụ thể, báo chí cần tăng cường tuyên truyền về các chủ trương, đường lối và chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, phát triển kinh tế biển, khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Báo chí cần tăng cường tuyên truyền việc xây dựng, triển khai và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển...

Facebook chat